Cà phê Arabica là gì?
Arabica là một loại thực vật bản địa của Ethiopia, nơi nó được phát hiện vào khoảng năm 850 sau công nguyên. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới được công bố gần đây của tiến sỹ Sarada Krishman và cộng sự đã cung cấp bằng chứng di truyền đầu tiên cho thấy cây cà phê mọc ở Nam Sudan thực sự hoang dã, không có sự can thiệp của con người và do đó đại diện cho một nguồn gốc cà phê có thể khác của cây cà phê Arabica. Do đó, có thể nói các khu rừng ở cao nguyên Ethiopia và Nam Sudan được coi là cái nôi của cà phê Arabica.
Nông dân trồng cà phê Arabica
Với lịch sử phát triển lâu đời, ngày nay có khoảng 125 giống cà phê thuộc loài Arabica phân bố rộng rãi ở nhiều châu lục từ Châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á, Trung Quốc, đến các quần đảo của Caribe và Thái Bình Dương.
Cà phê Arabica là loại cà phê được phát hiện trước Robusta, có lịch sử lâu đời hơn Robusta. Arabica có mùi thơm rất đặc trưng, vị cà phê thoang thoảng. Giống cà phê này có hàm lượng caffeine thấp hơn Robusta. Arabica có vị chua thanh và không cho cảm giác mạnh như Robusta. Trên thị trường cà phê thế giới, cà phê Arabica luôn bán được giá hơn so với Robusta; với mức chênh lệch cao hơn thường gấp đôi.
Cà phê Arabica ở Việt Nam
Cà phê Arabica ở Việt Nam thường được gọi là cà phê chè ( Arabica, Catimor,…) để phân biệt với giống cà phê Robusta ( cà phê vối).
Về đặc điểm hình thái cây cà phê Arabica có tán nhỏ, màu xanh đậm, có lá thuông dài, hình oval. Quả hình bầu dục tròn, trong quả phổ biến có hai nhân.
Đặc điểm hình thái cành, lá và quả cà phê Arabica
Trong tự nhiên, cây cà phê Arabica có thể phát triển tối đa từ 9 mét đến 12 mét. Tuy nhiên trong sản xuất để tiện cho việc thu hoạch thì cây thường được giữ ở độ cao dưới 3 mét.
Cây cà phê Arabica là loại cây ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ sinh trưởng thích hợp nhất là 18 đến 24 độ C, lượng mưa trung bình từ 1200 đến 1500 mm/năm. Độ cao thích hợp cho cây phát triển và cho chất lượng tốt là trên 1000 mét so với mặt nước biển.
Về đất trồng, cây Arabica phù hợp với đất có độ PH từ 4 – 8, tốt nhất nằm trong khoảng từ 5.2 – 6.2, cây Arabica được trồng chủ yếu ở các vùng cao nguyên, cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, cà phê Arabica được trồng ở Đà Lạt, Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên. Những vũng khác cũng có nhưng không đáng kể.
Sơn La
Đây là khu vực có hơn 100 năm lịch sử trồng cafe Arabica, với độ cao trong khoảng 700 đến 1000 mét so với mặt nước biển. Sơn La nằm trong khoảng 21 đến 22 vĩ độ bắc ( gần giống vùng Minas Gerais, São Paulo, Brazil) có nhiều lợi thế về thời tiết như: lượng mưa trong năm lớn, nhiệt độ không quá cao, đất đồi núi đa dang với tính chất đất là đất đỏ vàng ( đất núi lửa cổ)… Chính ưu thế này đã giúp nhiều vùng ở đây có sản lượng cà phê trồng hằng năm rất lớn như: Chiềng Ban, Sinh Ban… Giống cà phê Arabica được trồng chủ yếu ở đây là giống Catimor.
Vườn cà phê của người dân đồng bào ở Sơn La
Quảng Trị
Nằm ở khu vực Trung Bộ, có độ cao khoảng 700m so với mặt nước biển, đây là nơi giao thoa giữa Đông - Tây Trường Sơn, nhiệt độ trung bình khoảng 22 độ C, Quảng Trị có diện tích đất đỏ bazan lớn cùng thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hoà, lý tưởng để trồng cà phê, là khu vực có sản lượng cafe Arabica lớn trong cả nước. Nổi bật nhất là ở khu vực Khe Sanh. Giống cafe Arabica được trồng nhiều nhất ở đây là Catimor. Dù không có vị ngọt hậu đặc biệt như Bourbon nhưng giống cafe này lại sở hữu hương vị độc đáo cùng hương thơm sâu lắng đặc trưng của giống cà phê Arabica.
Vườn cà phê Khe Sanh tại Quảng Trị
Đà Lạt
Được đánh giá là “thiên đường” của cà phê Arabica; Cầu Đất, Đà Lạt sở hữu cao nguyên trung du với diện tích đất đỏ bazan rộng lớn. Bên cạnh đó, ở Đà Lạt có độ cao phổ biến trên 1500m so với mặt nước biển. Thời tiết ôn hoà, mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ giao động trong năm từ 5 độ C đến không quá 33 độ C.
Cà phê Arabica ở đây có chất lượng tốt nhất nước ta, với vị chua nhẹ của trái cây, thơm nồng nàng mùi mật ông và siro. Hiện tại Arabica ở đây chủ yếu là giống Catimor và một số ít giống Typica, Bourbon,...
Hái cà phê tại Cầu Đất