Nhằm bảo vệ rừng và sự đa dạng sinh học, mới đây EU thay đổi quy định xuất khẩu, nhập khẩu cà phê, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải đảm bảo rằng họ không lấy cà phê từ nguồn có rừng bị phá hoặc suy thoái.
1. Quy định mới góp phần bảo vệ rừng và sự đa dạng sinh học, hạn chế nạn phá rừng
Các nước Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn của người sử dụng. “Trong thời gian tới, rất nhiều quy định mới sẽ được ra đời đều hường tới những mối quan tâm này” – Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường khu vực Bắc Âu cho biết.
Trong tháng 12/2022, để thực hiện chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030, EU đã đạt được thoả thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm trong trường hợp chúng được coi là góp phần thúc đẩy nạn phá rừng.
Theo dự luật mới, các sản phẩm nằm trong danh sách bị cấm gồm dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, cacao, gỗ và cao su, được xác định là những yếu tố thúc đẩy nạn phá rừng nếu có xuất xứ từ vùng đất rừng bị tàn phá sau tháng 12/2020.
Những nhà nhập khẩu phải chứng minh sản phẩm của họ không liên quan đến hoạt động phá rừng. Ngoài ra, họ phải chứng minh được thông tin địa lý chính xác về vùng đất xuất xứ của sản phẩm.
Do vậy, các nhà xuất khẩu phải đảm bảo rằng họ không lấy cà phê từ nguồn có rừng bị phá hoặc suy thoái. Chỉ khi đó, mới có thể xuất khẩu cà phê sang Liên minh châu Âu (EU) nói chung cũng như các nước Bắc Âu nói riêng.
1.1. Quy định cụ thể
Kể từ ngày 31/1/2020, việc bán cà phê có nguồn gốc từ đất bị phá rừng hoặc đất bạc màu đã bị cấm. Phiên bản quy đinh mới nhất yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU phải thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê. Từ đó kết hợp với công cụ giám sát vệ tinh. Những công cụ này sẽ kiểm tra xem các công ty có đáp ứng các yêu cầu của quy định hay không và xác định các khu vực tiềm ẩn có nguy cơ suy thoái đất và mất rừng.
Đề xuất này cũng yêu cầu dán nhãn các quốc gia trồng cà phê là có rủi ro thấp hoặc rủi ro cao. Cà phê từ các vùng có rủi ro cao phải đáp ứng các yêu cầu thẩm định nhiều hơn so với các vùng có rủi ro thấp.
1.2. Yêu cầu đẩy mạnh về ứng dụng công nghệ
Trong bối cảnh thay đổi chính sách, việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số là rất quan trọng để đáp ứng quy định về sản phẩm không phá rừng sắp tới - Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển.
Cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn nhằm tăng khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một khía cạnh quan trọng của quy đinh này. “Đối với ngành cà phê, truy xuất nguồn gốc liên quan đến việc liên kết dữ liệu với một cá nhân hoặc một nhóm nhà sản xuất. Truy xuất nguồn gốc làm tăng yêu cầu thu thập dữ liệu cho tất cả các tác nhân trong chuỗi” – Thương vụ chỉ rõ.
Để duy trì hoạt động liền mạch và thuận lợi tại thị trường EU, các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê phải thu thập dữ liệu ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng. Để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng cà phê, các tác nhân trong chuỗi cung ứng cần ghi lại dữ liệu mỗi khi hạt cà phê thay đổi chủ sở hữu. Ngoài dữ liệu toạ độ địa lý của khu vực sản xuất, các loại dữ liệu khác cũng cần được báo cáo. Ví dụ như số lượng nhà sản xuất trên mỗi lô, số lượng và chất lượng của hạt cà phê, dự báo năng suất.
Nhà sản xuất có thể sử dụng nhiều loại công cụ kỹ thuật số khác nhau để thu thập dữ liệu định vị địa lý. Các công cụ có thể là máy bay không người lái có thể lập bản đồ bằng cách chụp hình trên cao, những thiết bị có định vị GPS để vẽ bản đồ khi đi bộ hoặc các nền tảng phức tạp hơn cho phép vẽ các khu vực này từ bản đồ hoặc hình ảnh vệ tinh hiện có.
Bên cạnh đó, cần nâng cao kiến thức và năng lực số hóa. Tất cả các yêu cầu dữ liệu nêu trên làm tăng tầm quan trọng của số hóa trong chuỗi giá trị cà phê. Các nhà xuất khẩu muốn sử dụng các giải pháp kỹ thuật số cần hiểu công cụ kỹ thuật số nào có thể sử dụng để thu thập dữ liệu định vị và truy xuất nguồn gốc; Hiểu liệu doanh nghiệp có đủ kiến thức để sử dụng những công cụ này hay không, có thể cần hợp tác để sử dụng các công cụ cụ thể. Đồng thời, xác định các hoạt động quan trọng để thực hiện kế hoạch số hóa, theo dõi kết quả và chuẩn bị mở rộng quy mô.
Mỗi giải pháp này đều có những thách thức và cơ hội cụ thể. Tùy thuộc vào khả năng truy cập công nghệ, cơ sở hạ tầng, kiến thức, và ngân sách để quyết định cách tiếp cận phù hợp.
Những thách thức mới của Việt Nam khi EU thay đổi quy định xuất, nhập khẩu cà phê
Nguồn: Báo Công Thương