Con đường nào để nâng tầm chất lượng cho cà phê Việt Nam. Cho rằng hiện tại chúng ta chỉ đang tập trung giải quyết phần ngọn mà chưa tập trung vào phần gốc, do đó cần sự tham gia của doanh nghiệp và nhà nước để giải quyết cái gốc đầu tiên. “ Tập trung vào chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn về sinh thực phẩm,… là mấu chốt cho ngành cà phê phát triển” – ông Thái Như Hiệp – Phó chủ tịch hiệp hội cà phê Việt Nam, Giám đốc công ty TNHH Vĩnh Hiệp nhận định.
Ông cho biết thêm: hiện tổng diện tích trồng cà phê của cả nước vào khoảng 710.000 ha nhưng diện tích cho thu hoạch chỉ 650.000 ha và chế biến sâu với tỷ lệ thấp. Ngoài ra, ở các quốc gia trồng cà phê khác đều được bảo hộ nhưng cà phê Robusta của Việt Nam lại hoàn toàn chưa có quốc gia nào bảo hộ. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần phải bảo hộ, tăng giá trị cho người sản xuất và 5 tỉnh Tây Nguyên là trọng điểm của giống cà phê này.
Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ Tịch hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam, Giám đốc công ty TNHH Vĩnh Hiệp
Hiện nay, các doanh nghiệp làm nông nghiệp phải vay vốn với lãi suất 12%/năm. Đây là nút thắt rất lớn cần tháo gỡ, nhà nước cần điều tiết hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các hợp tác xã, cho người nông dân, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, cần tạo mối liên kết trong chuỗi giá trị cà phê từ người sản xuất cho đến người tiêu dùng. Có như vậy mới tạo thêm giá trị cho người nông dân, cho thương hiệu Việt Nam và từ đó cà phê sẽ có chỗ đứng.
Bà Bùi Hoàng Yến – Đại diện cục xúc tiến thương mại ( Bộ Công thương) tại TP. Hồ Chí Minh đóng góp: để nâng cao giá trị và thương hiệu cà phê Việt, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương ở nước ngoài để nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu thị trường nhằm có thay đổi phù hợp. Đặc biệt bà Yến cũng khuyến cáo doanh nghiệp có sự thay đổi trong các khâu như nhân viên phụ trách sale xuất khẩu và thu mua hàng hoá. Lý do, ngoài tham gia hội chợ trực tiếp thì hiện xu thế quốc tế đang có phiên bản hội chợ online và kỹ năng bán hàng phải thay đổi về logic, suy nghĩ. Còn với khâu mua nguyên liệu đầu vào, theo bà Yến, bộ phận này cũng phải thay đổi làm sao nguyên liệu phù hợp dây chuyền sản xuất, tiệm cận chất lượng nhà nhập khẩu yêu cầu.
Về các hành động của ngành công thương, thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện nhiều hoạt động huấn luyện cho hộ nông dân thực hiện livestream bán hàng trên các nền tảng số, tuyên truyền về sự thay đổi của thị trường sau Covid, phối hợp với nhiều tổ chức nước ngoài hướng dẫn bà con sản xuất đạt chứng nhận quốc tế, tổ chức các đoàn tham dự nhiều chương trình triển lãm, hội chợ ở nước ngoài,... Những hoạt động này nhằm mục đích nâng cao giá trị và thương hiệu cho nông sản nói chung, cà phê nói riêng.